Theo bạn, nhân tố quan trọng nhất giúp Thị trường Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng là :



Đăng ký nhận bản tin
Vui lòng nhập địa chỉ email của bạn:

Quy chế chuyển nhượng Cổ phần

QUY CHẾ VỀ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN CỦA CÔNG TY DỊCH VỤ DẦU KHÍ SÀI GÒN

(Ban hành theo quyết định số 012 /QĐ-HĐQT ngày 05/05/2006)

Quy chế này do Hội đồng quản trị công ty CP Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Công ty) ban hành, quy định chung về việc chuyển hượng cổ phần và trình tự thủ tục chuyển nhượng cổ phần của công ty.

Mọi vấn đề liên quan đến vấn đề chuyển nhượng cổ phần của công ty phải tuân thủ các điều khoản trong quy chế này.

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Chuyển nhượng cổ phần là quá trình chuyển quyền sở hữu dưới hình thức như mua, bán, biếu tặng, cho, thừa kế,… từ cổ đông này sang cổ đông khác hoặc người không phải là cổ đông.

Điều 2: Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác hoặc tổ chức khác trừ những trường hợp bị hạn chế quyền chuyển nhượng theo Luật doanh nghiệp và điều lệ Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn quy định.

Điều 3: Cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần phải làm thủ tục chuyển nhượng tại trụ sở chính của công ty.

Điều 4: Người chuyển nhượng cổ phần và người nhận chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện đầy đủ các trình tự và thủ tục về chuyển nhượng cổ phần theo quy chế này. Khi Công ty tham gia vào Thị trường chứng khoán (TTCK) thì việc chuyển nhượng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về Chứng khoán và TTCK.

Điều 5: Việc chuyển nhượng chỉ có giá trị sau khi có văn bản xác nhận việc chuyển nhượng của Tổng giám đốc công ty (cấp mới, ghi tăng/giảm trong giấy chứng nhận sở hữu cổ phần).

CHƯƠNG II
TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN


Điều 6: Người chuyển nhượng cổ phần và người nhận chuyển nhượng cổ phần phải lập chứng thư xác nhận việc chuyển nhượng cổ phần theo mẫu do Công ty quy định (kèm Giấy chuyển nhượng cổ phần). Văn bản chuyển nhượng được kèm với Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Bên chuyển nhượng và các giấy tờ khác tuỳ theo tư cách của các bên chuyển nhượng, gồm:

6.1 Đối với các bên là cá nhân, tổ chức trong nước:
      6.1.1 Với cá nhân: Bản sao CMND.
      6.1.2 Với tổ chức:
      - Nếu là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó trực tiếp nhận chuyển nhượng thì ngoài giấy tờ cá nhân (như mục 6.1.1) còn phải kèm quyết định bổ nhiệm (bản sao có chứng thực hợp lệ).
      - Nếu là người đại diện ủy quyền phải có giấy tờ cá nhân (như mục 6.1.1) và giấy ủy quyền hợp lệ của tổ chức đó.
      - Giấy tờ chứng thực tư cách của tổ chức (quyết định thành lập, giấy đăng ký kinh doanh,...) bản sao có chứng thực hợp lệ.

6.2 Đối với các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài:
      6.2.1 Với cá nhân: Bản sao hộ chiếu (bản sao có chứng thực hợp lệ), giấy hoặc hợp đồng uỷ quyền hợp lệ, giấy xác nhận có tài khoản “góp vốn, mua cổ phần bằng tiền đồng Việt Nam mở tại ngân hàng thương mại” (theo thông tư 03/2004/TT-NHNN ngày 25/05/2004 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn , mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam).
      6.2.2 Với tổ chức: Các loại giấy tờ tại mục 6.2.1; giấy tờ chứng thực tư cách của cá nhân đối với tổ chức hoặc của chứng thực tư cách của tổ chức (quyết định bổ nhiệm, chứng thư xác nhận tư cách cá nhân đối với tổ chức, giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động, đăng ký kinh doanh,..); các bản sao phải có chứng thực hợp lệ.

6.3 Phí chuyển nhượng cổ phần (nếu có) sẽ do bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng thỏa thuận chi trả.

Điều 7: Trong thời hạn tối đa là 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo chuyển nhượng cổ phần và hồ sơ chuyển nhượng cổ phần của cổ đông, Tổng Giám đốc công ty phải xem xét và xác nhận việc chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp không chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần, Tổng Giám đốc công ty phải có thông báo bằng văn bản cho cổ đông đó.

Điều 8: Mọi giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần được nộp cho Công ty để đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông và lưu trữ tại Công ty.

Điều 9: Việc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (gồm người không cư trú là tổ chức kinh tế tài chính nước ngoài thành lập theo pháp luật nước ngoài; người không cư trú là người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người cư trú là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 10: Trường hợp thừa kế cổ phần sẽ được thực hiện theo Điều 16 của Điều lệ Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn.

CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 11: Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn có trách nhiệm tổ chức việc thực hiện, quản lý, theo dõi việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty và chịu trách nhiệm trước HĐQT về công tác này. Mọi việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty không đúng với quy chế này đều không có giá trị. Khi có những quy định mới của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần khác với những nội dung trong Quy chế này thì những quy định đó đương nhiên được áp dụng, sau đó HĐQT sẽ bổ sung, sửa đổi quy chế cho phù hợp.

Điều 12: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày HĐQT ký quyết định ban hành.
 

                                                                                                                TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
                                                                                                                              Chủ Tịch

 

 

                                                                                                                          NGÔ VĂN ÍCH